Ăn dặm là giai đoạn các bé được tập làm quen với những loại thức ăn thô hơn từ sữa mẹ, giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho bé mà trong sữa mẹ không có. Vậy ăn dặm là gì? hành trình ăn dặm của bé bao gồm những giai đoạn nào? Hãy cùng Sakuravietnam tìm hiểu chi tiết qua phần nội dung chia sẻ dưới đây mẹ nhé.
Ăn dặm là gì?
Giai đoạn ăn dặm là một giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng của trẻ nhỏ, sự chuyển đổi từ chế độ dinh dưỡng hoàn toàn từ sữa mẹ, sữa mẹ kết hợp sữa công thức hay sữa công thức sang việc làm quen với các thức ăn có độ thô dạng sệt tới dạng lợn cợn và cuối cùng là dạng miếng.
Thông thường thì các bé sẽ bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi và quá trình ăn dặm sẽ kéo dài đến 12 tháng tuổi hoặc đến 15 tháng tuổi. Đôi khi, có bé ăn dặm sớm hơn từ 4 – 6 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, mẹ cần bổ sung có bé các thực phẩm khác cho bé ăn dặm như bột ăn dặm, cháo ăn dặm, hỗn hợp ăn dặm, rau, củ, quả, trái cây…
Dựa vào độ tuổi phát triển của bé mà mẹ có thể chia quá trình ăn dặm thành 4 giai đoạn.
- Giai đoạn đầu cho bé 4 – 6 tháng tuổi
- Giai đoạn giữa cho bé 7 – 8 tháng tuổi
- Giai đoạn sau cho bé 9 – 11 tháng tuổi
- Giai đoạn kết thúc cho bé 12 – 15 tháng tuổi.
Các giai đoạn ăn dặm của trẻ nhỏ
Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các giai đoạn ăn dặm của bé dưới đây nhé.
1. Giai đoạn đầu (4 – 6 tháng tuổi)
Đây là giai đoạn đầu bé tập làm quen với ăn dặm, tập làm quen với các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Mục đích của giai đoạn này chỉ là để bé có thể nuốt được thức ăn tới họng bằng lưỡi.
Giai đoạn này, mẹ nên chế biến các món ăn dặm ở dạng lỏng, bé dễ nuốt mà không cần phải nhai như món cháo nghiền, cháo rây, hỗn hợp rau, củ trái cây nghiền nhuyễn…Đặc biệt, giai đoạn này, dạ dày của bé vẫn còn rất yếu, mẹ chưa nên cho bé ăn dặm với thịt, cá vội mà có thể cho bé ăn dặm với đậu phụ non để đảm bảo an toàn.
Các tuần tiếp theo bạn có thể cho ăn kèm các loại rau củ mềm dễ tiêu hóa như rau mồng tơi. Giai đoạn này bé mới làm quen với ăn dặm, tuyệt đối không được ép con nếu con chưa hợp tác mẹ nhé!
2. Giai đoạn giữa (7 – 8 tháng tuổi)
Giai đoạn này (tạm gọi là GĐ2) là giai đoạn mà bé đã có thể dùng lưỡi một cách linh hoạt hơn, lưỡi, lợi và cằm bé bắt đầu học cách nghiền thức ăn. Bởi vậy, giai đoạn này mẹ có thể cho bé ăn dặm với các nhóm thực phẩm nghiền nhuyễn như đậu phụ, thịt bằm, tôm hay các loại rau củ mà bé có thể tự cầm bằng tay để ăn như súp lơ, cà rốt…
3. Giai đoạn sau ( 9-11 tháng tuổi)
Giai đoạn này, hoạt động lưỡi của trẻ đã rất linh hoạt, bé có thể dùng luỡi và lợi để nghiền thức ăn. Độ cứng của thức ăn lúc này như chuối chín. Mẹ có thể cho bé ăn dặm bằng cháo không rây. Giai đoạn ăn dặm này, bé sẽ có hành vi đưa tay ra để với, để xin thức ăn và khả năng cầm nắm của bé cũng tốt hơn giai đoạn 2 là rất nhiều.
4. Giai đoạn kết thúc (12 – 15 tháng tuổi)
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình ăn dặm. Giai đoạn này có thể bé đã cai sữa nên bữa ăn của bé sẽ được chia thành 3 bữa chính kèm theo các bữa phụ. Đặc biệt, mẹ có thể cho bé ăn thực phẩm thô cùng gia đình kết hợp với các bữa phụ bằng sữa, sữa chua…
Các nhóm chất dinh dưỡng cần bổ sung cho bé
Trong quá trình ăn dặm của bé, mẹ cần bổ sung đầy các nhóm chất dinh dưỡng sau cho bé:
- Nhóm chất đạm: Đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng sữa…cùng các loại thực phẩm như đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành, các loại đậu đỗ.
- Nhóm chất béo: có nhiều trong dầu, mỡ, bơ, hạt có dầu
- Nhóm đường bột: có nhiều trong gạo, bột mì, khoai, ngô…
- Nhóm vitamin và khoáng chất: có nhiều trong rau củ, trái cây…
Bởi vậy mẹ cần tìm hiểu và xây dựng cho bé một thực đơn ăn dặm khoa học và dinh dưỡng với đầy đủ các nhóm dưỡng chất trên.
Có nên nêm gia vị vào món ăn dặm của bé không?
Nhiều mẹ thắc mắc không biết có nên nêm gia vị vào các món ăn dặm để món ăn dặm của bé thêm hấp dẫn hơn không? Theo các chuyên gia về sức khoẻ trẻ em hàng đầu thế giới luôn khuyến cáo các mẹ không nên nêm gia vị (muối, nước mắm) vào các món ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi. Bởi giai đoạn này, chắc năng của thận trẻ nhỏ còn rất yếu, việc nêm gia vị vào món ăn dặm của bé có thể khiến thận phải hoạt động quá tải, không tốt.
Vậy là Blog đã cùng các mẹ tìm hiểu về ăn dặm, các giai đoạn về ăn dặm cùng một số kiến thức liên quan đến ăn dặm mà các mẹ cần chú ý. Mong rằng những thông tin chia sẻ này sẽ giúp ích được cho các mẹ trong suốt hành trình ăn dặm của bé. Chúc bé hay ăn chóng lớn.