Ăn dặm kiểu truyền thống là gì? Là một trong 3 phương pháp ăn dặm chính được các mẹ áp dụng cho bé. Hiểu đơn giản về phương pháp này là cách nấu cháo ăn dặm kết hợp với các loại rau củ, thịt cá…Tất cả đều sẽ được xay nhuyễn. Để có thể hiểu hết về phương pháp ăn dặm này, mẹ hãy cùng tìm hiểu cụ thể về phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống nhé.
Phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống là gì?
Hiện nay, đa số các mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hay phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho bé. Tuy nhiên phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống cũng vẫn được nhiều mẹ sử dụng.
Khi tới độ tuổi ăn dặm ( 5 – 6 tháng), mẹ sẽ cho bé ăn thêm các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Mẹ sẽ xay bột với các loại thực phẩm như rau, củ, thịt, cá…đến nhuyễn đến khi nào bé mọc răng thì chuyển sang cho bé ăn cháo. Việc nấu các món ăn dặm kiểu truyền thống hay kiểu Nhật…thì cũng khá đơn giản mà mẹ nào cũng có thể nấu được.
Phương pháp ăn dặm truyền thống được thực hiện như thế nào?
Trẻ khi bước vào giai đoạn ăn dặm sẽ được bổ sung thêm dinh dưỡng từ các nguồn khác ngoài sữa mẹ hay sữa công thức. Mẹ sẽ kết hợp cháo trắng với các loại thực phẩm như rau, củ, quả, thịt…được xay nhuyễn. Không phân biệt loại thức ăn hay độ thô chế biến theo các giai đoạn. Các mẹ thường cho các bé ăn nhiều chất đạm, chất béo mặc dù là giai đoạn đầu tập ăn dặm.
Trẻ ăn dặm theo kiểu truyền thống sẽ được cho ăn nhiều, đôi khi là ép bé ăn khác hẳn so với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Mẹ sẽ dùng thìa và đút cháo ăn dặm cho bé ăn trực tiếp thay vì để bé tự xúc ăn theo cách ăn dặm kiểu Nhật.
Các nhóm thực phẩm chủ yếu của phương pháp ăn dặm truyền thống
– Ngũ cốc: gạo..
– Chất đạm: Có nhiều trong thịt, cua, tôm. Các loại thực phẩm này sẽ được xay nhuyễn và nấu với các loại rau củ rồi cho thêm một thìa nước mắm cho bé.
– Vitamin và chất xơ: Có nhiều trong các loại rau, củ, quả. Các loại thực phẩm này mẹ nên thái nhỏ sau đó trần qua với nước sôi để giảm vị nồng của chúng. Cho vào máy xay để xay nhuyễn.
Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống
Để giúp các mẹ có cái nhìn tổng quan nhất về phương pháp ăn dặm truyền thống. Hãy cùng tìm hiểu về ưu và nhược điểm của phương pháp ăn dặm này nhé.
– Ưu điểm:
Có nhiều mẹ cho rằng, phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống giờ không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, nếu mẹ sử dụng phương pháp ăn dặm này một cách khéo léo, khắc phục những nhược điểm thì phương pháp ăn dặm này cũng rất tốt, vì thế mà nó vẫn đang được nhiều mẹ Việt Nam tin dùng.
- Cách chế biến các món ăn dặm kiểu truyền thống khá đơn giản, không chiếm quá nhiều thời gian của ba mẹ.
- Bé được ăn những loại thực phẩm đã được xay nhuyễn, không gây hại cho hệ tiêu hóa yếu ớt của bé.
- Mỗi bữa bé sẽ ăn được nhiều hơn, bé có khả năng phát triển tốt hơn về thể chất, cân nặng.
- Vì đã tồn tại rất lâu tại Việt Nam nên phương pháp ăn dặm này sẽ dễ nhận được sự đồng tình của gia đình hơn so với các phương pháp ăn dặm mới hiện nay.
– Nhược điểm:
- Khả năng ăn thức ăn thô của bé sẽ kém bởi bé chỉ được ăn những thực phẩm đã được xay nhuyễn.
- Bé sẽ khó có thể cảm nhận được mùi vị bởi các món ăn dặm là sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm. Điều này không tạo được hứng thú về ăn uống cho bé, khiến bé chán ăn, biếng ăn.
- Phương pháp này sẽ đảm bảo được về lượng ăn dặm của bé bằng việc ép bé ăn. Tuy nhiên, cách này có thể khiến các bé gặp vấn đề rối loạn tiêu hóa, bé có thể bị đầy bụng, khó tiêu.
Lưu ý: Mặc dù mẹ có cho bé ăn dặm theo phương pháp nào đi chăng nữa thì hãy đảm bảo bé vẵn được bú mẹ đầy đủ. Việc kết hợp ăn dặm và bé mẹ hay uống sữa công thức mới có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé.
Giai đoạn đầu khi mới ăn dặm theo phương pháp này, có thể bé sẽ gặp vấn đề rối loạn tiêu hóa. Khi đó, điều mẹ cần làm là điều chỉnh chế độ ăn dặm của bé theo nhu cầu và độ tuổi của bé kết hợp với việc bổ sung thêm lợi khuẩn đường ruột sẽ giúp hạn chế các bệnh về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng…ở trẻ.
Ăn dặm là một bước phát triển mới của bé, ở đó bé được làm quen với nhiều loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Việc lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho bé là rất quan trọng để giúp bé làm quen và tìm thấy niềm vui trong ăn uống đồng thời cung cấp cho bé thêm nguồn dưỡng chất thiết yếu.
Giải đáp thắc mắc về ăn dặm truyền thống
Câu hỏi 1: Cho em hỏi việc ăn riêng khi mới bắt đầu là áp dụng với tất cả các loại thức ăn ko ạ? Ví dụ khi mới bắt đầu bé chỉ ăn cháo và rau thì ăn riêng 2 món đó trước, khi chuyển sang loại rau khác hoặc thịt cá thì cũng ăn riêng trước ạ? Như vậy có vẻ khá giống với pp ăn dặm kiểu Nhật.
Trả lời: Khi mới bắt đầu ăn dặm để tốt nhất mẹ cho con ăn dặm theo phương pháp ADKN. Để giúp con ghi nhớ và đa dạng được các loại thực phẩm,không kén ăn biếng ăn. Thêm nữa với các thực phẩm mới bme áp dụng 3DW để xem cơ thể con có phản ứng lại với 1 loại thực phẩm đặc biệt nào không nhé.
Câu hỏi 2: Chào anh! Cho em hỏi con em 6 tháng 10 ngày. Ăn dặm được 2 tuần, bé thường bú cữ 6h sáng và ngủ tiếp tới 10h dậy. Thì 10h dậy em cho ăn liền như 2 tuần nay e vẫn làm (bé ko ăn, có bữa ăn đc vài muỗng), hay là đổi qua giờ trưa hơn ạ? Cảm ơn anh
Trả lời: Mẹ nên thay đổi lịch sinh hoạt cho con nhé. Sáng mẹ cho con dậy để con tỉnh táo và ăn bữa đầu tiên trong ngày (sữa). Giấc ngủ ngắn đầu tiên trong ngày sẽ vào khoảng 9-10h30 sau đó sẽ bắt đầu bữa dặm vào khoảng 11h-11h30. Có thể là giấc ngủ đêm của con không được sâu giấc khiến con kéo dài giấc ngủ từ đêm hôm trước đến 10h sáng hôm sau ( chỉ thức dậy để bú lúc 6h).
Câu hỏi 3: Cho mình hỏi thịt cá nấu chung thì làm như thế nào có tăng dần độ thô của thịt cá không ạ
Trả lời: Thịt đạm nói chung và thịt cá nói riêng, để tăng độ thô khi chế biến bằng cách nấu chung (nấu cháo, soup) mẹ sẽ tăng dần độ thô từ xay nhuyễn, băm nhuyễn, băm rối, xé thịt tơi nhé.
Câu hỏi 4: Làm ơn cho e hỏi với, 6 tháng mình có thể cho bé ăn dặm vào buỏi sáng sau khi bé thức dậy được k ạh?
Trả lời: Chào mẹ, đối với bé 6 tháng tuổi mẹ có thể cho bé ăn dặm vào buổi sáng. Tuy nhiên, vì 6 tháng tuổi bé thường chỉ ăn 1 bữa dặm nên tốt nhất mẹ cho bé ăn vào bữa trưa sẽ hợp lý về mặt tiêu hóa thức ăn trong ngày của con.
Câu hỏi 5: Cho e hỏi có lên dùng nc mắn hoặc bột nêm cho trẻ ko ạ . Nếu dùng thì lên dừng loại nào ạ
Trả lời: Trẻ dưới 1 tuổi không khuyến khích dùng bất kỳ một loại gia vị tạo vị (mắm, muối, đường, hạt nêm,…). Trẻ từ 1 tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho con sử dụng theo định lượng khuyến nghị cho từng tháng tuổi để bổ sung lượng natri clorua và ưu tiên sử dụng các loại gia vị dành riêng cho trẻ nhỏ. Mẹ tham khảo các loại hạt nêm của Nhật có bán tại các cửa hàng mẹ và bé
Câu hỏi 6: Bé nhà em 6 tháng thì nấu cháu 1/10 và ăn riêng với rau cũ quả sây nhuyễn được k anh va tg ăn như vây la bao lâu thì ăn chung hỗn hợp được
Trả lời: Con bắt đầu ăn dặm với cháo tỉ lệ 1:10. Thời gian đầu ăn dặm khuyến khích mẹ cho con ăn riêng từng loại thực phẩm để con cảm nhận rõ mùi vị của từng loại. Tùy theo điều kiện gia đình, thói quen sinh hoạt và sở thích, nhu cầu của con sau đó mẹ có thể nấu chung các nguyên liệu theo như phương pháp ăn dặm truyền thống khi con được khoảng 7 tháng
Câu hỏi 7: ” Nếu trẻ không cảm nhận được mùi vị – thì trẻ sẽ biếng ăn ” kết luận này do bạn nghĩ ra hay có nguồn nghiên cứu khoa học rồi ? Nếu có nguồn tài liệu , mong bạn chia sẻ , xin cảm ơn .
Trả lời: Trong video mình có nhắc tới “Không cảm nhận mùi vị => rối loạn gai vị giác =>cảm nhận kém => biếng ăn” đây là kinh nghiệm mình tích lũy từ nhiều nguồn thông tin sách về ăn dặm cũng như các nghiên cứu về ăn dặm của các bác sĩ. Đồng thời cá nhân mình cũng đồng thời học dinh dưỡng tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia và Health Coach – II USA.